Vào ngày 6/7 vừa qua, Vinamilk đã thông báo về việc thay đổi thương hiệu sau hơn 4 thập kỷ. Logo mới của Vinamilk được chuyển từ dạng phù hiệu sang biểu tượng kèm theo dòng chữ “est 1976”, đại diện cho năm thành lập thương hiệu.
Thông điệp của sự thay đổi được Vinamilk tóm gọn như sau: “Vinamilk không chỉ là bạn bò vui nhộn, mà còn là nguồn cảm hứng sống đầy năng lượng mỗi ngày. Vinamilk mang tính táo bạo và quyết tâm. Vinamilk luôn trung thành với chính mình. Vinamilk khởi đầu một hành trình mới và luôn hướng về tương lai”.
Trên thực tế, việc thay đổi nhận diện logo của một thương hiệu không phải là việc mới và thường gặp những tranh cãi. Logo đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tinh thần của một công ty. Mỗi lần thay đổi logo có thể mang lại một diện mạo mới, thành công mới cho công ty và sản phẩm, nhưng cũng có thể gây ra sự phản đối.
Hãy cùng rừng già điểm qua các doanh nghiệp đã gây tranh cãi khi thay đổi bộ nhận diện thương hiệu.
Trước khi Vinamilk thực hiện việc thay đổi nhận diện thương hiệu, công chúng cũng đã chứng kiến sự “dậy sóng” khi MBBank ra mắt logo mới vào tháng 11/2021. Khi đó, thông qua việc thay đổi logo, MBBank muốn gửi thông điệp rằng họ đang hướng tới mục tiêu trở thành một ngân hàng thông minh, chuyên nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng số.
Tuy nhiên, việc thay đổi logo của MBBank đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng đây là một bước lùi trong thiết kế. Mặc dù đã nhận được nhiều ý kiến phản đối như vậy, không thể phủ nhận rằng MBBank đã đạt được thành công trong việc tăng cường sự hiện diện và sự quan tâm của công chúng.
Ngoài ra, MBBank cũng ghi điểm với người dùng bằng việc thực hiện những thay đổi mang tính năng động hơn, tăng cường tương tác với khách hàng cá nhân và chăm sóc khách hàng.
Một ví dụ khác là việc Viettel thay đổi logo từ biểu tượng hai màu xanh – vàng truyền thống sang logo chỉ gồm chữ “Viettel” màu đỏ, cũng đã gây tranh cãi trong công chúng.
Vào tháng 1/2021, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã công bố bộ nhận diện thương hiệu mới. Thay đổi này bao gồm việc sử dụng màu sắc chủ đạo mới là đỏ và trắng, thay vì màu vàng và xanh như trước. Tên thương hiệu “Viettel” cũng đã chuyển từ viết hoa sang viết thường, và dấu chấm của chữ “i” được thay thế bằng một biểu tượng dạng văn bản của tin nhắn số, được thiết kế riêng.
Kèm theo đó, Viettel đã đưa ra một khẩu hiệu mới đơn giản hơn, chỉ gồm bốn từ “theo cách của bạn”, có số từ ít hơn so với khẩu hiệu trước đó. Mặc dù nhận được những ý kiến trái chiều ban đầu, nhưng theo thời gian, khi người dùng dần quen với hình ảnh mới, làn sóng dư luận ban đầu đã đảo ngược trở thành một bệ phóng thu hút sự chú ý trên thị trường.
Trên thị trường quốc tế, một trong những câu chuyện khó quên có lẽ là của thương hiệu Xiaomi. Ban lãnh đạo của Xiaomi đã tiết lộ rằng công ty đã đầu tư tới 2 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 7 tỷ đồng) và mất 10 tháng để chuẩn bị cho việc thay đổi logo mới. Tuy nhiên, sự thay đổi này đã gây ra nhiều tranh cãi và ý kiến trái chiều.
Một số tài khoản đã nhận xét rằng logo mới của Xiaomi rất giống với phiên bản cũ, tuy nhiên, mất tới 20 phút để giới thiệu nó.
Hình ảnh của logo mới của Xiaomi đã được lan truyền trên các hội nhóm tại Việt Nam, và một điểm nổi bật là nhiều bình luận cho rằng việc chi hơn 7 tỷ đồng để tạo ra logo mới là quá đắt đỏ khi mẫu thiết kế chỉ được chỉnh sửa một chút.
Bộ nhận diện thương hiệu mới của Xiaomi có vẻ không thay đổi quá nhiều khi nhìn qua. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở đường viền bên ngoài, được uốn cong mềm mại hơn. Mặt chữ và màu sắc vẫn được giữ nguyên, với màu cam là chủ đạo. Màu đen và bạc vẫn được sử dụng làm màu bổ trợ, tạo nên một cảm giác sang trọng.
Dù về cơ bản, đối với người dùng thông thường, logo mới của Xiaomi không khác biệt nhiều so với logo cũ, chỉ có sự thay đổi nhỏ ở đường viền. Tuy nhiên, hiệu quả truyền thông của việc này rất lớn, khi mọi người đều thảo luận và nhắc đến sự “thay đổi nhưng gần như không thay đổi” này.
Được ví von ” Đổi như không đổi” Việc Google ra mắt logo mới cũng đã thu hút sự chú ý từ công chúng. Nhiều người dùng mạng đã nhận xét rằng phần lớn mọi người sẽ khó nhận ra rằng Chrome đã thay đổi logo mới vì sự khác biệt là không đáng kể. Logo mới vẫn giữ nguyên thiết kế hình tròn với 4 màu sắc đặc trưng từ phiên bản năm 2008 và thiết kế phẳng từ lần thay đổi năm 2011.
Tuy nhiên, hiệu ứng đổ bóng ở phần viền giữa các khu vực màu đã được loại bỏ trong logo mới. Ngoài ra, vòng tròn màu xanh ở giữa của logo mới có kích thước lớn hơn so với phiên bản gần đây nhất từ năm 2014. Điều này làm cho logo mới trở nên đơn giản và sáng sủa hơn.
Bên cạnh đó vào tháng 9 năm 2015, “gã khổng lồ” công nghệ, Google, đã tiến hành thay đổi logo chính thức của họ. Thay đổi này bao gồm việc chuyển từ font chữ kiểu serif (có chân) sang kiểu sans-serif (không chân), và logo mới hoàn toàn sử dụng các hình tròn và hình chữ nhật để tạo thành. Bốn màu sắc cơ bản trên nền trắng vẫn được giữ lại, tạo ra một cảm giác dịu mắt hơn.
Theo Google, logo mới của họ thể hiện sự đơn giản, gọn gàng, thanh thoát và thân thiện với người sử dụng.
Tuy nhiên, cộng đồng mạng đã xuất hiện nhiều ý kiến chê bai về thiết kế mới này của Google. Nhiều người cho rằng sự “đơn giản” quá mức của logo này làm nó trở nên tẻ nhạt.
Việc thay đổi logo là một quyết định quan trọng đối với mỗi thương hiệu, bởi nó có thể gặp phải sự phản đối từ công chúng. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu vẫn tự tin với quyết định của mình và tồn tại, thành công đến ngày nay.